Thứ Hai, 20 tháng 5, 2013

Ứng dụng tế bào gốc trong điều trị đột quỵ

Trong xu hướng khoa học y học ngày càng phát triển, việc ứng dụng phương pháp điều trị mới cho đột quỵ là điều tất yếu. Việc đưa tế bào gốc vào điều trị đột quỵ ở người hiện nay có thể nói chỉ còn là vấn đề thời gian, chờ đợi các kết quả thử nghiệm cụ thể trên người trước khi áp dụng rộng rãi cho cộng đồng.

Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), có khoảng 15 triệu người bị đột quỵ mỗi năm. Trong số đó có 5 triệu người chết và 5 triệu người bị liệt hoàn toàn. Trong số các nhân tố có thể dẫn đến đột quỵ như tuổi tác, bệnh cao huyết áp, tiền sử đột quỵ, đái tháo đường, hút thuốc lá và nồng độ cholesterol cao thì bệnh tăng huyết áp là nhân tố nguy hiểm nhất, đã dẫn tới 12,7 triệu ca đột quỵ mỗi năm.

Vậy bệnh đột quỵ là gì và tại sao nó lại có mức độ nguy hiểm lớn như vậy? Đột quỵ là một tình trạng bệnh lý, khi một bộ phận chức năng của não bị tổn thương, dẫn đến rối loạn, mất chức năng vùng tương ứng. Tình trạng này xảy ra khi việc cung cấp máu lên não bị đột ngột ngừng trệ, cắt đứt đường cung cấp ôxy và chất dinh dưỡng cho não, gây tổn hại nặng nề. Khi đột quỵ xảy ra, tùy theo thời gian kéo dài hay không, có thể dẫn đến sự chết (necrosis) hàng loạt tế bào thần kinh thuộc các loại khác nhau, dẫn đến di chứng sau đột quỵ nghiêm trọng.




Có hai loại đột quỵ có thể xảy ra: xuất huyết não và nhồi máu não:

Xuất huyết não xảy ra khi một mạch máu trong não bị rò rỉ hoặc bị vỡ và dẫn đến một trong hai trường hợp sau: xuất huyết trong nhu mô não khi mạch máu trong não bị vỡ, làm tràn máu vào các vùng xung quanh gây chết tế bào và làm cho các tế bào ở các vùng xung quanh bị thiếu máu cung cấp; xuất huyết màng não xảy ra ở một động mạch ở trên hoặc gần bề mặt não dẫn đến tràn máu vào vùng đệm giữa não và xương sọ.

Khoảng 90% trường hợp đột quỵ xảy ra là do nhồi máu não, xuất hiện khi các động mạch dẫn đến não bị hẹp đi hay bị tắt nghẽn, gây nên thiếu máu trầm trọng, các tế bào não chết chỉ trong vòng vài phút. Có 2 dạng nhồi máu phổ biến: cục máu hình thành do xơ vữa động mạch, thường xảy ra ở động mạch cổ hoặc não; cục máu hoặc các mảnh vụn khác hình thành trong mạch máu nào đó trong cơ thể, thường là ở tim, sau đó lưu thông theo dòng máu và bị kẹt lại ở các động mạch hẹp hơn ở não.

Nhìn chung khi đột quỵ xảy ra, tổn thương ở vùng nào sẽ dẫn đến rối loạn, mất chức năng ở vùng đó. Nó có thể gây mất khả năng cử động, mất khả năng hiểu, nói chuyện hoặc có thể mất khả năng nhìn một phía của thị trường, nặng hơn thì có thể gây tử vong.

Các biện pháp điều trị đột quỵ phổ biến hiện nay là: phẫu thuật (can thiệp mạch – đặt stent vào mạch máu để giải phóng chỗ tắc nghẽn); dùng thuốc: kết hợp dùng các loại thuốc để loại bỏ chỗ tắc nghẽn (tPA – tissue plasminogen activator), thuốc chống đông máu. Các loại thuốc này có tác dụng tốt nếu được sử dụng sớm, tuy nhiên hiện nay chúng cũng là đề tài gây nhiều tranh cãi do có khá nhiều tác dụng phụ, rõ rệt nhất là có thể gây xuất huyết não trong khoảng 6,4% bệnh nhân (BN) sử dụng.

Trong xu hướng khoa học y học ngày càng phát triển, việc ứng dụng phương pháp điều trị mới cho đột quỵ là điều tất yếu. Các loại thuốc mới hiệu quả nhanh, nguồn gốc tự nhiên; ống catheter được làm với chất liệu tốt hơn, có khả năng phát sóng siêu âm để phá vỡ cục máu đông; liệu pháp sử dụng cytokin, chemokin như GM-CSF (Granulocyte macrophage colony - stimulating factor), VEGF (vascular endothelial growth factor) để thúc đẩy quá trình tạo máu; gần đây nhất là liệu pháp tế bào, nghiên cứu việc đưa tế bào gốc vào điều trị đang được nghiên cứu ứng dụng rộng rãi.

Để có thể đưa các nghiên cứu về tế bào gốc vào thực tiễn ứng dụng, thông thường cần phải theo các trình tự như sau:

Nuôi cấy, biệt hóa tế bào gốc thành tế bào thần kinh trong phòng thí nghiệm. Bước này có thể tiến hành song song với các nghiên cứu cơ chế hình thành tế bào thần kinh từ tế bào gốc và các nhân tố ảnh hưởng đến quá trình này.

Tiếp theo sau, các sản phẩm thí nghiệm có thể được thử nghiệm trên mô hình động vật để chứng minh hiệu quả của quá trình cấy ghép, xác định liều lượng tế bào cần thiết cho việc điều trị, tối ưu hóa mức độ hồi phục các phản ứng của cơ thể sau khi cấy ghép tế bào gốc (ví dụ, quan sát cử động các chi, phản ứng của động vật khi bị kích thích, khả năng giữ thăng bằng, thời gian di chuyển đến một điểm cố định, …).

Sau khi tính an toàn và hiệu quả của phương pháp điều trị bằng tế bào gốc đã được chứng minh, thì các thử nghiệm lâm sàng trên người bệnh sẽ được tiến hành theo 4 giai đoạn, tăng dần theo số lượng người tham gia (với giai đoạn cuối cùng có thể lên đến từ 1000-3000 người).

Tế bào gốc từ các nguồn gốc khác nhau như tế bào gốc phôi, tế bào gốc thần kinh từ thai, tế bào gốc thần kinh từ não người trưởng thành, tế bào gốc máu dây rốn, tủy xương đều đã được thử nghiệm trong các mô hình điều trị đột quỵ [4]. Các thử nghiệm trên BN về tính an toàn và tính khả thi của liệu pháp tế bào gốc cũng đều đã được tiến hành.

Cho đến nay, việc sử dụng mô hình động vật trong nghiên cứu rất phổ biến. Các nhà khoa học đều đã từng sử dụng chuột, thỏ, đến linh trưởng làm đối tượng nghiên cứu tác dụng của tế bào gốc trong điều trị. Thông thường, mô hình động vật thí nghiệm bị đột quỵ có thể được tạo ra bằng các thao tác phẫu thuật, bộc lộ các động mạch chính rồi dùng các loại vật liệu khác nhau (tùy sự lựa chọn của từng phòng thí nghiệm cụ thể) để buộc chặt các động mạch dẫn đến khu vực não trái hoặc phải của động vật thí nghiệm, gây tắc nghẽn mạch máu. Việc có tháo gỡ đoạn dây buộc hay không thường phụ thuộc vào mục đích nghiên cứu. Trong một số trường hợp, đoạn dây này sẽ được giữ nguyên để mô phỏng hiện tượng nghẽn mạch sau đột quỵ ở người.

Nhìn chung, để đưa tế bào gốc vào cơ thể đối tượng, có hai con đường chính tùy theo cơ chế hoạt động của tế bào gốc:

Đưa thẳng tế bào gốc (có thể là tế bào tiền thần kinh hoặc nguyên bào sợi thần kinh biệt hóa từ tế bào gốc) hoặc các hợp chất tăng trưởng từ tế bào gốc vào vùng bị tổn thương [6]. Lúc này, tế bào gốc hoạt động theo hướng tái tạo/thay thế, biệt hóa thành tế bào gốc thần kinh mới, thay thế các tế bào bị tổn thương; hoặc trong trường hợp các chất tăng trưởng, sẽ kích thích sự hình thành mạch máu và hình thành tế bào thần kinh mới [8]. Tuy nhiên, vì đặc tính của đột quỵ là gây thiếu máu trên diện rộng, người ta vẫn chưa biết rằng cách tiếp cận trực tiếp như vậy có đem lại hiệu quả hay không, hay chỉ mang tính cục bộ. Một mối lo ngại nữa là khả năng gây tổn thương sâu hơn khi tác động trực tiếp tới vùng nhu mô não.

Đưa tế bào gốc vào bằng truyền tĩnh mạch, các tế bào gốc hiện diện sẽ hoạt động theo hướng cảm ứng/hỗ trợ. Tế bào gốc lưu thông trong hệ tuần hoàn, hạn chế tối đa sự chết theo chu kỳ và hạn chế cả phản ứng viêm đã được chứng minh là có hại cho mô não. Các tế bào này khi hiện diện sẽ tiết ra những yếu tố tăng trưởng, đồng thời cũng tiết ra các tín hiệu huy động các yếu tố tăng trưởng cần thiết trong cơ thể vật chủ, kích thích việc hình thành mạch máu và tế bào thần kinh mới. Theo một số ý kiến hiện nay, các nhà khoa học cho rằng hướng cảm ứng hỗ trợ này có thể là hướng chính và hiệu quả hơn hẳn, vì theo đó, tế bào gốc khi được đưa vào cơ thể, một mặt biệt hóa thành tế bào thần kinh mới, một mặt tạo điều kiện để cơ thể vật chủ có thể tự hồi phục.

Boltze và cộng sự (2008) đã phát hiện ra rằng các tế bào gốc máu dây rốn người (được nhuộm huỳnh quang để dễ theo dõi), sau khi được đưa vào mô hình chuột đột quỵ qua đường tĩnh mạch, đã có hiện tượng tập trung tại vùng giáp ranh giữa khu vực hoại tử tổn thương ở não và vùng không tổn thương. Khu vực giáp ranh này (border zone) chứa các tế bào ít tổn thương và có thể hồi phục được. Quan sát này củng cố giả thuyết rằng sự hiện diện của tế bào gốc sẽ kích thích sự hồi phục và thu hút sự tham gia của các yếu tố tăng trưởng trong cơ thể đến nơi tổn thương. Hàng rào máu não bị rò rỉ trong khoảng từ 3 giờ đến 4 ngày sau đột quỵ ở chuột có thể cũng đã tạo điều kiện thuận lợi cho việc xâm nhập của tế bào gốc vào khu vực hư tổn.

Trong một nghiên cứu khác của Jang và cộng sự (2010), sau khi đưa tế bào gốc tủy xương có đánh dấu huỳnh quang trực tiếp vào khu vực não phải, đối diện với vùng tổn thương là não trái của chuột bị gây đột quỵ, đã quan sát thấy có sự di chuyển và hiện diện của tế bào gốc ở vùng não trái khoảng 2 ngày sau khi tiêm. Thậm chí, dấu hiệu hiện diện của tế bào gốc vẫn còn thấy rõ ràng 7 ngày sau khi tiêm.

Các thực nghiệm trên mô hình chuột cho tới nay đều cho thấy có sự di chuyển của tế bào gốc đến vùng tổn thương và sự cải thiện đáng kể các hoạt động chi, thần kinh phản xạ, chức năng thần kinh của đối tượng. Song song đó, việc hình thành tế bào thần kinh, tiền thần kinh và mạch máu mới cũng được ghi nhận. Đặc biệt, Newcomb và cộng sự (2006) còn chứng minh được rằng tế bào máu dây rốn có khả năng làm giảm kích thước vùng tổn thương ngay cả khi được tiêm vào cơ thể 48 giờ sau chấn thương. Một ghi nhận đáng chú ý khác là các trường hợp tiêm tế bào gốc có chọn lọc, ví dụ như tế bào CD34+, CD49d+ cho kết quả khả quan hơn so với việc tiêm toàn bộ lượng tế bào gốc máu dây rốn hoặc tủy xương không chọn lọc.

Tuy nhiên, một điều có thể thấy rõ ràng là mô hình động vật chỉ có thể phản ánh được một phần các phản ứng của tế bào gốc trong cơ thể, khả năng hồi phục của cơ thể sau điều trị, và liệu lượng tế bào sử dụng. Vì thế, việc tăng cường các thử nghiệm lâm sàng là một yêu cầu cấp bách hiện nay.

Truy cập trang web www.clinicaltrials.gov với từ khóa “stem cell” và “stroke”, ta có thể thấy cho tới nay có khoảng 63 công trình nghiên cứu được đăng ký áp dụng trên người ở các giai đoạn khác nhau. Điều này cho thấy việc sử dụng tế bào gốc trong điều trị đột quỵ đang thu hút được sự chú ý không nhỏ của các nhà khoa học. Một số ví dụ tiêu biểu như:

Savitz và cộng sự hiện đang tiến hành thử nghiệm độ an toàn của việc sử dụng tế bào đơn nhân tự thân từ tủy xương cho người trưởng thành sau khi bị đột quỵ 24-72 giờ.

Lin và cộng sự, hiện đã tiến hành đến phase 2 của thử nghiệm lâm sàng trong việc sử dụng các tế bào CD34+lấy từ máu ngoại vi của chính người bệnh và tiêm trực tiếp vào não. Đối tượng tham gia là những người bị đột quỵ trong vòng từ 6-60 tháng trước khi điều trị.

Hernandez và cộng sự hiện đang chuẩn bị bước vào phase 2 trong việc thử nghiệm hiệu quả và độ an toàn của việc truyền tế bào CD34+ tự thân theo đường tĩnh mạch, áp dụng cho các trường hợp từ 5-9 ngày sau đột quỵ.

Andre và cộng sự hiện đang xây dựng phase 1 thử nghiệm truyền tế bào đơn nhân từ tủy xương cho BN trong vòng 90 ngày sau đột quỵ với số lượng tế bào là 500x106 tế bào.

Ta có thể thấy mối quan tâm lớn nhất hiện nay khi dùng tế bào gốc trong điều trị đột quỵ là thời điểm tiêm tế bào gốc và độ an toàn của quy trình.

Các thử nghiệm trên chuột cho tới nay chưa cho thấy có sự hình thành khối u hay đột biến khác lạ trong cơ thể chuột và các thử nghiệm lâm sàng đã hoàn tất phase 1 cũng chưa cho thấy có dấu hiệu bất thường. Thời điểm áp dụng cũng là một yếu tố vô cùng quan trọng. Trong khi việc tiêm tế bào gốc sớm có thể thúc đẩy quá trình tái tạo nhanh hơn, bảo vệ nhanh chóng những khu vực chưa bị tổn thương, nhưng thời điểm sớm ngay sau khi đột quỵ xảy ra này cũng là lúc vi môi trường của não cũng chứa đầy những nhân tố độc hại, có thể ảnh hưởng trực tiếp đến sự tồn tại lâu dài của tế bào gốc tại khu vực này. Việc đưa tế bào vào muộn hơn có thể tác động vào việc thúc đẩy quá trình tự hồi phục của não, cho phép tế bào gốc tồn tại lâu hơn ở vị trí tổn thương, tuy nhiên do thời điểm muộn, có thể việc hình thành sẹo và thương tổn các tổ chức mạch cũng dẫn đến việc hạn chế khả năng hồi phục.

Việc đưa tế bào gốc vào điều trị đột quỵ ở người hiện nay có thể nói chỉ còn là vấn đề thời gian, chờ đợi các kết quả thử nghiệm cụ thể trên người trước khi áp dụng rộng rãi cho cộng đồng. 

Nghiên cứu cơ bản và nghiên cứu trên mô hình động vật hiện nay chủ yếu là để tìm hiểu thêm về cơ chế hoạt động và bổ sung các tác dụng của tế bào gốc khi đưa vào cơ thể sau khi hiện tượng đột quỵ xảy ra. Vì thế, hiện nay thử nghiệm lâm sàng trên người đang trở thành mục tiêu của các nhà khoa học trên thế giới.

2 nhận xét:

  1. Hiện trên thị trường đông dược nước ta có một loại thuốc đang được quảng bá rộng rãi và bán với giá khá đắt là An cung ngưu hoàng hoàn (ACNHH). Tuy nhiên, trên thực tế lâm sàng, do nhiều lý do khác nhau, việc nắm vững công dụng, chỉ định và cách dùng cụ thể chế phẩm này còn không ít khiếm khuyết.
    An cung ngưu hoàng hoàn là gì?
    Là phương thuốc do danh y Ngô Đường, tự Cúc Thông, người đời Thanh (Trung Quốc), đại biểu trọng yếu của học phái ôn bệnh, sáng chế, được ghi trong sách “Ôn bệnh điều biện” nổi tiếng của ông với thành phần gồm: ngưu hoàng 1 lạng, uất kim 1 lạng, tê giác 1 lạng, hoàng cầm 1 lạng, hoàng liên 1 lạng, hùng hoàng 1 lạng, sơn chi 1 lạng, chu sa 1 lạng, mai phiến 2 tiền 5 phân, xạ hương 2 tiền 5 phân, trân châu 5 tiền. Tất cả tán bột thật mịn, dùng mật làm hoàn, mỗi hoàn 1 tiền, lấy vàng lá làm áo, bao sáp. Hiện nay, vì tê giác rất hiếm nên được thay bằng thủy ngưu giác (sừng trâu nước). An cung ngưu hoàng hoàn

    Một hộp thuốc an cung ngưu hoàng hoàn.
    Công dụng của An cung ngưu hoàng hoàn ra sao?
    Theo dược học cổ truyền, An cung ngưu hoàng hoàn có công dụng thanh nhiệt giải độc, trấn kinh khai khiếu, dục đàm. Chuyên trị ôn nhiệt bệnh, nhiệt tà nội hãm tâm bào, đàm nhiệt ủng bế tâm khiếu dẫn đến sốt cao phiền táo, thần hôn thiềm ngữ (hôn mê, rối loạn ngôn ngữ) hoặc thiệt kiển chi quyết (lưỡi rụt, tay chân giá lạnh), trúng phong khiếu bế, tiểu nhi kinh quyết thuộc đàm nhiệt nội bế.
    Đây là một trong ba phương thuốc lương khai trọng yếu (lương khai tam bảo hay ôn bệnh tam bảo) cùng với chí bảo đan và tử tuyết đan, là một trong những dược vật cấp cứu hữu hiệu của Y học cổ truyền. “Cung” là chỉ tâm bào, tâm bào là cái màng ở ngoài bọc lấy tim; ôn nhiệt độc tà nội hãm, khi xâm phạm vào tâm, trước hết là tác động đến tâm bào. Nếu nhiệt tà quá thịnh sẽ làm nhiễu loạn thần minh mà dẫn đến tình trạng thần hôn thiềm ngữ. An cung ngưu hoàng hoàn có đủ khả năng thanh hóa đàm nhiệt nội hãm tâm bào, nhiệt thanh đàm hóa thì tâm thần tất an, vì thế mà gọi là “an cung”.
    Trong phương, ngưu hoàng, tê giác và xạ hương có công dụng thanh tâm tả hỏa giải độc, dục đàm khai khiếu, tức phong định kính, là quân dược; hoàng cầm, hoàng liên, sơn chi thanh nhiệt tả hỏa giải độc; uất kim tán tà hỏa; mai phiến phương hương khứ uế, thông khai bế; chu sa, trân châu và vàng lá trấn tâm an thần; mật ong hòa vị điều trung.
    Tác dụng dược lý của ACNHH là gì?

    Trả lờiXóa
  2. Hiện nay thuốc an cung rùa vàng điều trị đột quỵ não là sản phẩm đã dược kiểm nghiệm lâm sàng và được BYT cấp phép lưu hành sp

    Trả lờiXóa