Thứ Ba, 7 tháng 5, 2013

Tạo tế bào gốc từ công nghệ in 3D

Các nhà khoa học tại Edinburgh đã vừa công bố một kĩ thuật in 3D cho phép tạo ra từng cụm tế bào gốc, qua đó tăng tốc quy trình phát triển các bộ phận nhân tạo cho con người.

Công nghệ in 3D đã và đang được sử dụng trong rất nhiều ngành công nghiệp, từ quần áo, mô hình kiến trúc cho đến các bộ phận y khoa. Từ lâu, các nhà khoa học đã thử nghiệm công nghệ in 3D để tạo ra tế bào và mạch máu, xây dựng cấu trúc mô xếp lớp với các tế bào nhân tạo.

Giáo sư Will Shu, đến từ đại học Heriot Watt tại Edinburgh cho biết: "Chúng tôi đã phát hiện ra rằng kĩ thuật in bằng van micro vận hành đủ nhẹ nhàng để duy trì khả năng sống sót của tế bào gốc, đủ chính xác để tạo ra các quả cầu đồng kích cỡ và quan trọng hơn cả, các hESC được in vẫn duy trì được tính vạn năng - khả năng biến đổi thành mọi loại tế bác khác."

Các tế bào gốc phôi bắt nguồn từ giai đoạn sớm của phôi thai là những tế bào "trống" với tiềm năng có thể trở thành mọi loại mô trong cơ thể. Về mục tiêu dài hạn, kĩ thuật in 3D mới có thể mở đường cho các tế bào hESC được tích hợp vào những cơ quan cấy ghép nhân tạo và mô, nhóm nghiên cứu cho biết.

Công nghệ nhân bản có thể sản xuất các tế bào hESC hoặc các tế bào với đặc tính của tế bào gốc phôi chứa gene lập trình của một bệnh nhân. Mô và cơ quan nhân tạo làm từ các tế bào này có thể được cấy vào bệnh nhân, từ đó chúng được chuyển hóa mà không kích hoạt các phản ứng miễn dịch nguy hiểm.

Cùng tham gia nghiên cứu - Jason King, quản lý kinh doanh của công ty công nghệ sinh học tế bào gốc Roslin Cellab, cho biết: "Thông thường, các tế bào được chế tạo bằng công nghệ in 2D trong phòng thí nghiệm nhưng đối với một số loại tế bào, chúng cần phải được in 3D. Tuy nhiên, cho đến hiện tại, các đặc tính của tế bào gốc vẫn quá nhạy cảm để có thể được vận dụng theo cách này. Vì vậy, đây là một phát kiến khoa học mà chúng ta có thể hy vọng và tin rằng nó sẽ mang nhiều giá trị dài hạn cho quá trình thử nghiệm thuốc với độ tin cậy cao, không cần dùng đến động vật và dài hạn hơn, cung cấp các cơ quan cấy ghép theo nhu cầu mà không cần đến nội tạng hiến tặng và các vấn đề phản ứng của hệ miễn dịch hay đào thải của cơ thể."

Kĩ thuật này được một nhóm nghiên cứu tại đại học Heriot Watt phát triển dựa trên một loại van micro có thể hiệu chỉnh để xây dựng các lớp tế bào gốc phôi người (hESC). Nhóm nghiên cứu tin rằng kĩ thuật trên sẽ mở ra một bước tiến quan trọng trong việc chế tạo các cơ quan nhân tạo, giảm thiểu nhu cầu sử dụng các cơ quan hiến tặng.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét